Thai phụ có nhóm máu Rh âm thường là hiếm gặp với tỉ lệ khoảng 4/10000. với lần mang thai đầu thì việc sinh đẻ suôn sẻ, không có nguy cơ tai biến nào. Tuy nhiên từ lần mang thai thứ 2 nếu vẫn không biết có nhóm máu hiếm thì nguy hiểm cho cả mẹ và con. Lúc đó sẽ là một tình huống khó cho cả bác sĩ sản và sản phụ. Cần phải kiểm tra máu mẹ, máu cha, xét nghiệm chuyên biệt để đánh giá tình trạng hiện tại của máu mẹ, xét nghiệm máu cuống rốn thai sau sinh để xác định nhóm máu con càng sớm càng tốt. và sau sinh em bé phải được bs Nhi kiểm soát kỹ hơn về nguy cơ bệnh tật nhằm điều trị kịp thời. Dưới đây là một trường hợp cụ thể về tình huống mẹ chỉ biết được nhóm máu Rh âm trước khi vào chuyển dạ tại bệnh viện Phúc Hưng.
Bệnh nhân Đinh Thị. L.T sinh năm 1994. Tiền sử mổ lấy thai 1 lần, lần này mang thai 39 tuần có dấu hiệu chuyển dạ nên vào viện. Quá trình mang thai chưa phát hiện bất thường và thai phụ vẫn không biết mình có nhóm máu hiếm.Qua xét nghiệm tiền phẫu, các bác sĩ khoa Sản Bv Phúc Hưng đã phát hiện sản phụ mang nhóm máu hiếm (Rh-), chồng có nhóm máu Rh(+) và liên hệ ngay tới trung tâm Huyết học để huy động máu cùng nhóm Rh(-) cho bệnh nhân đề phòng trường hợp băng huyết sau mổ. Bên cạnh đó các bác sĩ cũng đã chuẩn bị thuốc anti – D dự phòng trường hợp con mang (Rh+) giống bố thì mẹ phải được tiêm Anti-D trong vòng 72 giờ đầu sau sinh để hạn chế phản ứng sản sinh kháng thể của người mẹ do khi chuyển dạ, sinh con thì máu của mẹ và bé có thể hoà vào nhau gây nguy hiểm cho lần mang thai sau.
Do có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước, các bác sĩ khoa sản bệnh viện ĐKTN PHÚC HƯNG đã thực hiện thành công. Cuối cùng bé gái 2,9 kg đã ra đời trong niềm vui của cả gia đình. Đội ngũ bác sĩ Khoa Nhi đã trực tiếp đón bé và làm xét nghiệm sàng lọc sau sinh.
Vài nét về hệ nhóm máu Rh âm.
Mẹ mang nhóm máu Rh âm có nguy hiểm không?
Nhóm máu Rh âm là rất hiếm gặp ở người Việt Nam. Người có nhóm máu Rh(-) thường gặp một số bất lợi trong quá trình truyền máu bởi lẽ người có Rh âm có thể truyền máu cho mọi trường hợp cùng hệ ABO, tuy nhiên, chỉ được nhận máu từ những người có cùng nhóm máu và Rh(-).Trong trường hợp cấp cứu cần truyền máu, không phải lúc nào Bệnh viện cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó để truyền cho bệnh nhân, điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị bệnh.
Phụ nữ mang thai có Rh (-) cũng gặp nhiều nguy hiểm trong thai kì. Đặc biệt trong lần mang thai sau nếu người bố có Rh(+). Bởi lẽ, hầu hết con của họ sẽ mang nhóm máu Rh (+).Trong các lần mang thai sau, nếu đứa trẻ mang Rh (-) thì không có điều gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu trẻ mang Rh (+) thì sẽ có nhiều điều khiến chúng ta phải quan tâm.
Ở lần mang thai thứ nhất, thai có thể phát triển khỏe mạnh và quá trình sinh nở diễn ra bình thường mà hiếm khi ảnh hưởng từ việc bất đồng nhóm máu. Tuy nhiên, từ lần mang thai thứ 2 trở đi, nếu trẻ vẫn có Rh (+) thì thường gặp những vấn đề nghiêm trọng.Nguyên nhân là do trong quá trình sinh nở lần 1, có 1 lượng máu từ thai nhi qua mẹ kích thích cơ thể mẹ sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên Rh(+). Ở lần mang thai thứ 2, lượng kháng thể này qua nhau thai kết hợp với kháng nguyên của hồng cầu con gây ngưng kết hồng cầu, tan huyết, gây nên những biến chứng sản khoa nặng nề như sẩy thai, thai lưu, sinh non. Trường hợp trẻ được sinh ra thường gặp các vấn đề: nhẹ thì thiếu máu tán huyết, vàng da nặng thì suy tim, suy gan và có những ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này.
Mẹ nhóm máu Rh âm mang thai lần 2 cần chú ý gì?
Phụ nữ mang thai nếu có Rh (-) cần được theo dõi thai kì một cách chặt chẽ và đúng cách để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Đầu tiên, cần phải xác định nhóm máu của người bố thai nhi, nếu là Rh (-) thì quá trình theo dõi thai kì hoàn toàn giống như bình thường. Trường hợp bố của thai nhi mang Rh (+), cần phải được xét nghiệm kháng thể anti - D.
Nếu kết quả dương tính, thai phụ cần được theo dõi sát trong thai kỳ và sau sinh bé cần được bác sĩ chuyên khoa Nhi theo dõi đề phòng thiếu máu tán huyết ở bé.
Nếu kết quả âm tính, cần phải dự phòng bằng kháng anti-D chích 3 liều vào tuần 28, 34, và sau sinh trong vòng 72 giờ đầu
Trog trường hợp mẹ có truyền máu Rh dương cũng nên tiêm trong vòng 72 giờ
Tóm lại, mẹ cần phải được kiểm tra xét nghiệm để biết mình có mang nhóm máu Rh âm hiếm gặp hay không để có thể điều trị trong và sau thai kỳ tốt hơn để tránh tai biến cho cả mẹ và con sau sinh.
Tác giả: Ths. BS. Huỳnh Quốc Hiếu - Trưởng khoa Phụ Sản Bệnh viện ĐKTN Phúc Hưng
BS. Đinh Thiên Nhựt Khoa sản Bệnh viện ĐKTN Phúc Hưng
Cấp cứu 24/7:
(0255) 3 713 555
Tư vấn/CSKH:
1900 099 915
Kênh thông tin Zalo OA
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN ĐKTN PHÚC HƯNG