Hotline 1900.099.915 / 0255 3713555
Tin Tức

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới cấp tính thường xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh có diễn biến nhanh chóng dễ bùng phát thành dịch vào mùa đông với các triệu chứng ban đầu tương tự với cảm cúm thông thường.

1.Nguyên nhân:

-Virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV): Đa số trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp do sự xâm nhập của RVS, chiếm khoảng từ 30-50% . Chủng virus này phát triển mạnh trong môi trường lạnh, ẩm và dễ tạo thành dịch bệnh.

-Virus Adeno: Trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp do chủng virus này gây ra thường sẽ mắc bệnh nặng hơn, bệnh khó điều trị và kéo dài hơn. Ngoài ra, bệnh còn có khả năng chuyển biến thành viêm tiểu phế quản tắc nghẽn (type 3,7,21).

-Virus cúm và á cúm: Đây là cũng là một nguyên nhân phổ biến gây viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ, chiếm khoảng 25% tổng số trẻ bị bệnh.

-Một số chủng virus khác: Parainfluenza virus, Rhinovirus, Human Metapneumovirus, Enterovirus,…

Ngoài ra, trẻ nằm trong các trường hợp dưới đây khi mắc bệnh viêm tiểu phế quản cấp, các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn:

-Trẻ sinh non (sinh sớm hơn 36 tuần tuổi, đặc biệt trước 32 tuần tuổi);

-Trẻ nhẹ cân (cân nặng khi mới chào đời của trẻ dưới 2.5kg);

-Trẻ bị suy hô hấp sơ sinh;

-Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi;

-Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh như: bệnh tim (khuyết tật tim, bệnh tim bẩm sinh làm tăng áp lực động mạch phổi), bệnh phổi (dị tật đường hô hấp, xơ nang, loạn sản phế quản phổi,…);

-Trẻ gặp một số vấn đề về cơ, thần kinh (Hội chứng Down, Hội chứng Werdnig – Hoffman);

-Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng;

-Trẻ bị suy giảm miễn dịch;

-Trẻ sống trong khu vực đang bùng phát dịch bệnh viêm tiểu phế quản cấp, đặc biệt là bệnh do virus RSV gây ra;

-Trẻ mắc các bệnh gan, mật mạn tính (da vàng, ứ mật bẩm sinh);

-Trẻ có tiền sử mắc bệnh do virus gây ra (viêm mũi họng, amidan, viêm VA,…)

 

2.Đối tượng nguy cơ bị viêm tiểu phế quản:

Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản cao nhất vì phổi và hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Các yếu tố khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm phế quản ở trẻ sơ sinh, hoặc bệnh nặng hơn do viêm tiểu phế quản, bao gồm:

-Sinh non

-Có bệnh tim hoặc các bệnh phổi tiềm ẩn

-Suy yếu hệ miễn dịch

-Tiếp xúc với khói thuốc lá

-Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

-Ở với nhiều trẻ khác, như nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học

-Sống trong gia đình đông người, chật chội

-Có anh chị em đi học hoặc chăm sóc trẻ mang mầm bệnh về nhà

 

3.Triệu chứng:

Khi trẻ bắt đầu phát bệnh, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng nghẹt mũi, ho và sốt nhẹ (trẻ có thể sốt hoặc không sốt). Sau khi trẻ có biểu hiện tương tự cảm lạnh được khoảng 1-2 ngày hoặc hơn, trẻ bắt đầu gặp khó khăn khi hô hấp, thở khò khè.

Đối với trẻ nằm trong nhóm nguy hiểm (dưới 3 tháng tuổi, có các bệnh lý bẩm sinh, sinh non, hệ miễn dịch kém,…), khi trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản cấp, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để khẩn cấp:

-Nhịp thở tăng nhanh và nông (trên 60 nhịp/phút);

-Co lõm ngực khi trẻ hít vào;

-Ngủ li bì, khó đánh thức, hôn mê;

-Từ chối uống nước, có biểu hiện mất nước;

-Da, môi và móng tay tím tái;

-Hơn nữa, trẻ sẽ gặp khó khăn khi ăn uống, nhịp thở tăng nhanh…

 

4.Điều trị:

-Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để tránh tình trạng mất nước ở trẻ;

-Cho trẻ ăn uống đủ chất, không bỏ bữa;

-Vệ sinh mũi và miệng của trẻ bằng nước muối sinh lý;

-Làm thông thoáng mũi cho trẻ;

-Cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;

-Theo dõi các triệu chứng của trẻ;

-Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, phấn hoa và các mùi kích thích khác;

-Cho trẻ tái khám định kỳ;

-Vệ sinh tai cho trẻ hằng ngày…

Đa số trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản đều nhẹ và có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp hay có biểu hiện mất nước, trẻ cần được đưa đến bệnh viện khẩn cấp. Các biện pháp y tế thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh cho trẻ gồm:

-Dịch truyền tĩnh mạch (IV) để bù nước và điện giải cho trẻ nếu trẻ có biểu hiện mất nước nghiêm trọng và từ chối uống nước;

-Sử dụng máy thở để giúp trẻ thở dễ dàng hơn, ổn định nhịp thở;

-Hút dịch nhầy từ mũi và miệng của trẻ để, giúp trẻ dễ thở, không khí lưu thông dễ dàng;

-Khi ngủ, mẹ kê gối dưới đầu để nâng cao đầu của trẻ. Lưu ý, mẹ không nên dùng chung gối với trẻ sơ sinh;

-Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau;

-Dùng máy phun sương để tạo độ ẩm trong phòng, không gian phòng thoáng mát, trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn…

Thông thường, các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em sẽ thuyên giảm và dần biến mất, bệnh được chữa khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể kéo dài hơn, chiếm tỷ lệ 20% tổng số trẻ mắc bệnh.

 

Lưu ý, khi chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản, mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. 

 

5.Cách phòng tránh:

Để phòng tránh bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em, mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:

-Giữ không gian sống và vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát;

-Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá;

-Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp;

-Tập cho trẻ thói quen vệ sinh tay bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

-Tiêm phòng vacxin đầy đủ và đúng lịch cho trẻ;

-Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh…

 

Nếu nhận thấy những triệu chứng như trên, Quý khách vui lòng đến Bệnh viện Phúc Hưng để được các Bác Sĩ tư vấn, khám và điều trị.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TƯ NHÂN PHÚC HƯNG

Địa chỉ: 06 Cao Bá Quát, p.Nghĩa Chánh,Tp. Quảng Ngãi

Hotline: 1900.099.915

 

 

 

 


TAG: